Monday, August 8, 2011

Bàn thêm về Nghiệp vụ thị trường mở

Nguồn Saga

Một số thông tin mà qua đó bạn quynhdaoMBA5 có thể đã tự trả lời được câu hỏi nêu trên về "Nghiệp vụ thị trường mở" (Open market operation). Có rất nhiều thứ đáng quan tâm xung quanh vấn đề điều khiển hành vi thị trường.

Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động mua bán giấy tờ có giá giữa ngân hàng trung ương và các tổ chức tín dụng. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, ngân hàng trung ương tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.

Các hoạt động nghiệp vụ thị trường mở (open market operations) chính là phương tiện quan trọng để triển khai và thực hiện chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương của quốc gia sử dụng nghiệp vụ này để điều tiết lượng cung tiền quốc gia. Để làm việc đó, NHTƯ mua-bán các chứng khoán do chính phủ phát hành, cùng với các công cụ tài chính khác. Các mục tiêu của chính sách tiền tệ về điều khiển lãi suất thị trường hay tỷ giá là định hướng để triển khai các hoạt động nghiệp vụ này.

Ở các nền kinh tế tiên tiến, hầu hết tiền được ghi nhận qua các bản ghi điện tử, chỉ còn một tỉ lệ nhỏ bằng giấy như giấy tờ ngân hàng, hối phiếu, nên các hoạt động nghiệp vụ thị trường mở được vận hành thông qua các hệ thống điện tử ghi tăng giảm các khoản tiền tại một ngân hàng. Ví dụ, tài khoản dự trữ của một ngân hàng tại NHTƯ được điều chỉnh tăng-giảm tương ứng khi mua hay bán một công cụ tài chính. Tiền được tạo mới được ngân hàng trung ương sử dụng để mua từ thị trường mở như một tài sản tài chính, có thể là trái phiếu chính phủ, ngoại hối (tiền nước ngoài), hoặc là vàng (để dự trữ-bảo đảm).

Trong trường hợp NHTƯ quyết định bán các tài sản tài chính họ đang nắm giữ kể trên ở thị trường mở, lượng tiền ngân hàng nắm giữ giảm đi, làm giảm giá trị đồng tiền. Quá trình này không liên quan gì tới việc in tiền mới trong nền kinh tế. Một tài khoản của NHTƯ đối ứng cho một ngân hàng thương mại thành viên có thể chỉ tăng giảm đơn giản về mặt ghi nhận thông số điện tử. Tuy nhiên, trong trường giao dịch cụ thể mà ngân hàng thành viên yêu cầu sử dụng giấy tờ ngân hàng tồn tại vật lý, có thể NHTƯ phải in thêm tiền cho lưu thông vật lý.

Một số mục tiêu của nghiệp vụ thị trường mở: Trong mục tiêu hạn chế thời kỳ lạm phát, nghiệp vụ thị trường mở có thể nhắm vào mục tiêu điều chỉnh lãi suất ngắn hạn trên thị trường các công cụ tài chính nợ (gọi ngắn gọn là "thị trường nợ"). Mục tiêu này thay đổi theo thời kỳ tùy vào tín hiệu kinh tế của giai đoạn để đạt được, và sau đó là duy trì, tỉ lệ lạm phát trong giới hạn được ưa chuộng ("giới hạn mục tiêu"). Thế nhưng một số biến thể khác của chính sách tiền tệ cũng thường nhắm vào các mức lãi suất để điều chỉnh. Ví dụ, ở Mỹ Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ và ở châu Âu là European Central Bank (NHTƯ Châu Âu) sử dụng các mức dao động khác biệt về lãi suất để định hướng các nghiệp vụ thị trường mở.

Ngoài việc điều chỉnh lãi suất ngắn hạn như đã nói, một số mục tiêu khác cũng có thể kể tới. Đó có thể là mục tiêu tăng lượng cung tiền tệ như Hoa Kỳ đã làm vào giai đoạn cuối những năm thập niên 1970 cho tới đầu 1980 thời kỳ ông Paul Volcker làm Chủ tịch FED Fund. Nghiệp vụ thị trường mở còn thường được sử dụng để duy trì mức tỉ giá hối đoái đã ấn định tương ứng với một số loại ngoại tệ nào đó. Trường hợp bản vị vàng thì nghiệp vụ này còn được sử dụng để duy trì tỉ giá tương ứng với biến động giá vàng, nghĩa là giá trị nội tệ ở mức khá cố định so với giá vàng.

NHTƯ có thể sử dụng "pha chế hợp chất" chính sách theo liều lượng thay đổi tùy vào tình hình của nền kinh tế để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ. NHTƯ có thể kết chặt tỉ giá đồng tiền bằng cách đưa ra các mức cam kết khác nhau của chính sách này để thị trường thu nhận tín hiệu chính sách. Việc kết dính mà càng lỏng, NHTƯ càng phải mở rộng phạm vi các biến số họ tác động lên (như là với các loại lãi suất khác nhau). NHTƯ cũng có thể nhắm vào một giỏ các đồng tiền, như kiểu trường hợp dự trữ ngoại hối, thay vì chỉ nhắm vào một đồng tiền chủ đạo ngoại hối nào đó. Trong một số tình huống, NHTƯ được quyền sử dụng các phương tiện bổ sung để tăng cường sức mạnh của tác động nghiệp vụ mở như tăng giảm lượng dự trữ bắt buộc, kiểm soát nguồn vốn vào-ra (kiểu Thái Lan mới làm gần đây đầu 2007)... Nói chung đều tác động vào lượng cung tiền trong nền kinh tế.

Giáo sư Robert Mundell (1985) cũng đưa ra luận thuyết rằng khi sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, mỗi lần như vậy có lẽ chỉ đạt được một mục tiêu duy nhất tại một thời điểm mà thôi. Theo lập luận của ông, không thể tìm cách cùng lúc tác động tới lãi suất nhưng lại theo đuổi chính sách bản vị vàng với đồng tiền. Hoặc là khi đang tìm cách ảnh hưởng lên lãi suất của thị trường, tỉ giá hối đoái sẽ bị ảnh hưởng theo. Ở Mỹ vào năm 2006, Cục dự trữ liên bang đặt ra mục tiêu lãi suất sao cho khi lãi suất của các quỹ FED cao hơn mục tiêu thì người ta sử dụng repo để làm tăng lượng cung tiền; mà repo chính là một hoạt động cho vay từ NHTƯ. Khi lãi suất FED thấp hơn mục tiêu, lượng cung tiền được điều chỉnh giảm cũng thông qua repo, nhưng theo hiệu ứng tạo ra vay.

European Central Bank cũng sử dụng các cơ chế tương tự, nhưng có một phương pháp tiếp cận 4-bước để đạt các mục tiêu khác nhau. ECB còn sử dụng nghiệp vụ này để gửi đi các tín hiệu cho biết lập trường chung của châu Âu về chính sách tiền tệ. Hàng tuần họ thông báo về "nghiệp vụ tái chiết khấu" và hàng tháng "nghiệp vụ cho vay lại dài hạn" để cung cấp tính thanh khoản cho hệ thống tài chính; đôi khi còn cung cấp "nghiệp vụ điều chỉnh" theo tình huống (giao dịch ngay, dự trữ, swap ngoại hối và thu hồi tiền gửi kỳ hạn cố định) tất cả đều nhằm "làm trơn" các mức lãi suất theo nghĩa không để diễn ra diễn biến bất thường đột ngột, nhờ tính chất dao động của tính thanh khoản tài sản trên thị trường. "Nghiệp vụ cấu trúc" cũng được sử dụng để điều chỉnh cơ cấu tài sản dài hạn của chính NHTƯ so với mức chung của thị trường và khu vực tài chính.

Ở Hoa Kỳ, thường xuyên sử dụng mua lại qua đêm (repos) các tài sản tài chính để tạm thời sinh ra tiền mới, hoặc "repo ngược" để "xóa" bớt tiền tệ. Theo cách khác, FED có thể tạo ra tiền ổn định bằng việc mua ngay các chứng khoán. Trên thực tế hiếm khi FED lại xóa vĩnh viễn một lượng tiền bằng cách bán ngay một lượng chứng khoán đáng kể. Các thương vụ thị trường này được thực hiện trong nhóm gồm khoảng 22 ngân hàng và những nhà buôn tài chính lớn gọi là "nhà giao dịch sơ cấp".

Như đã nói kể cả với repo thì tiền được tạo ra cũng ghi nhận bằng phương pháp hệ thống điện tử thông qua tăng dự trữ tại ngân hàng, và phát hành một khoản nợ mới của NHTƯ. Tiền được xóa bớt qua "repo ngược" bằng cách ghi giảm tài khoản dự trữ của một ngân hàng, và xóa bớt một khoản nợ của NHTƯ. FED thực hiện các phương pháp này từ những năm 1920 thông qua Phòng Thị trường Mở tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang.

Rõ ràng, câu trả lời của tôi là: CÓ! Rất nhiều tình huống việc đánh giá sai tính hợp lý, cấu trúc tài sản tài chính, và mục tiêu lãi suất sẽ biến nghiệp vụ thị trường mở thành con dao 2 lưỡi. Công cụ nào sử dụng cũng phải suy tính và có liều lượng hợp lý. Các bước quan sát cũng rất quan trọng.

Tham khảo thêm luận văn Teppyvn

No comments:

Post a Comment