Giá trị vốn hoá thị trường hay còn được viết tắt bằng tiếng Anh là market cap, là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, thường tính bằng cách lấy giá hiện tại của cổ phiếu nhân với lượng cổ phiếu đang lưu thông. Xét trong một chừng mực nào đó thì chỉ số này có sự khác biệt so với vốn cổ phần vì một doanh nghiệp có thể có các quyền chọn cổ phiếu đang lưu hành (outstanding stock options) hoặc có các chứng khoán có khả năng chuyển đổi. Quy mô và tốc độ phát triển của giá trị vốn hoá thị trường của một doanh nghiệp luôn được xem là một trong những chỉ tiêu chủ yếu và quan trọng nhất đo lường sự thành công hay thất bại của một công ty cổ phần. Tuy nhiên, mức vốn hoá thị trường có thể tăng hoặc giảm vì các nguyên nhân không liên quan tới hiệu quả hoạt động của công ty như hoạt động sáp nhập hay mua bán lại cổ phần.
Giá trị vốn hoá thị trường chính bằng lượng cổ phiếu thường nhân với giá trị hiện tại của số cổ phiếu đó. Thuật ngữ này đôi khi được thay thế bằng thuật ngữ "mức vốn hoá" (capitalization), tuy nhiên thường thì mức vốn hoá thể hiện tổng lượng vốn được sử dụng để duy trì cân đối tài chính của doanh nghiệp, được tính bằng cách lấy giá trị vốn hoá thị trường cộng với các khoản nợ (tính trên sổ sách hoặc theo giá thị trường) cộng với giá trị cổ phiếu chuyển đổi.
Theo thống kê thì tổng giá trị vốn hoá thị trường của tất cả các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán New york lớn hơn so với lượng tiền hiện có ở Mỹ. Giá trị vốn hoá thị trường toàn cầu (gồm tất cả các thị trường chứng khoán trên thế giới đạt khoảng 43.6 nghìn tỉ USD vào thời điểm tháng 3 năm 2006). Hiện tại chưa có một định nghĩa rõ ràng về phân loại mức vốn hoá thị trường. Tại Mỹ, các công ty và cổ phiếu thường được phân loại theo giá trị vốn hoá thị trường như sau:
- Công ty vốn hoá nhỏ: giá trị vốn hoá nhỏ hơn 1 tỉ USD (có khoảng 2800 công ty, không gồm công ty có mức vốn hoá quá nhỏ không đáp ứng yêu cầu niêm yết trên NYSE)
- Công ty vốn hoá trung: giá trị vốn hoá từ 1 tỉ $ đến 5 tỉ $ (có khoảng 1350 công ty)
- Công ty vốn hoá lớn: giá trị vốn hoá từ 5 tỉ $ trở lên (có khoảng 835 công ty)
Định nghĩa về công ty có mức vốn hoá nhỏ thì thường gây nhiều tranh cãi hơn hai loại còn lại. Thông thường thì thang giá trị vốn hoá được liệt kê như sau:
- Loại vốn hoá rất nhỏ (Micro-cap): giá trị vốn hoá dưới 100 triệu $
- Loại vốn hoá siêu nhỏ (Nano-cap): giá trị vốn hoá dưới 50 triệu $
Các công ty Blue chip thường là công ty có giá trị vốn hoá thị trường lớn. Một số nhà đầu tư thường coi cổ phiếu do các công ty micro-cap hoặc nano-cap phát hành là penny stock, bất kể giá cổ phiếu là thế nào.
No comments:
Post a Comment