Saturday, June 8, 2013

Kỳ 1: Lệnh tử hình của bà cố vấn



Những bóng hồng của dinh Độc Lập

Kỳ 1: Lệnh tử hình của bà cố vấn


Bà Trần Lệ Xuân (giữa), cạnh là chị ruột Trần Lệ Chi cùng anh em nhà Ngô
- Ảnh: Tư Liệu

Dinh Độc Lập (dinh Thống Nhất ngày nay) là trụ sở tối cao của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Nơi đây có những người đàn bà mà quyền lực của họ đôi khi còn hơn cả tổng thống...

Dinh Độc Lập đã từng bị một nhóm sĩ quan Sài Gòn nổi dậy, kéo quân về bao vây, nổ súng âm mưu lật đổ chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm nhưng thất bại và bị bà Ngô Đình Nhu đòi "giết sạch"...

Bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) gọi nhóm sĩ quan trên là "bọn phản nghịch" gồm: trung tá Vương Văn Đông, trung tá Nguyễn Triệu Hồng, thiếu tá Nguyễn Huy Lợi, thiếu tá Phạm Ngọc Liễu, thiếu tá Nguyễn Kiên Hùng, đại úy Nguyễn Tiến Lộc... Đó là những người được giao nắm trong tay một số lực lượng không nhỏ tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung, chỉ huy các tiểu đoàn thủy quân lục chiến, pháo binh và nhảy dù. Họ bất mãn trước việc tổng thống Ngô Đình Diệm thâu tóm quyền hành vào gia đình mình, như Ngô Đình Cẩn thành "lãnh chúa miền Trung", Ngô Đình Nhu làm cố vấn tổng thống và ngao ngán nhất là "bà cố vấn Ngô Đình Nhu" thọc tay vào chính trường, xem người dưới quyền chồng mình chẳng ra gì và đã bị báo chí nước ngoài đặt cho hỗn danh "Rồng cái". Đầu tiên, nhóm sĩ quan âm mưu lật đổ Diệm tỏa quân khống chế Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm giữ hoặc uy hiếp các cơ quan trọng yếu như Bộ Tổng tham mưu, trụ sở quốc hội từ sáng ngày 11.11.1960, rồi bao vây dinh Độc Lập. Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh lữ đoàn nhảy dù, chỉ huy quân đảo chính, đã ra lệnh bắn súng cối và nã đại liên trực diện vào dinh.

Để đối phó, Ngô Đình Diệm dùng kế hoãn binh, đề nghị cùng phe đảo chính đàm phán để lập chính phủ mới, nhưng thực chất nhằm kéo dài thời giờ gọi viện binh giải cứu. Đến chiều hôm ấy, đáp ứng lời kêu gọi của ông Diệm, đại tá Trần Thiện Khiêm đã chỉ huy các cánh quân tiến về Sài Gòn phá được vòng vây quân đảo chính tại vùng Phú Lâm, tiến thẳng về phía dinh. Tiếp đó, các lực lượng hải quân, lục quân, thiết giáp lần lượt tiếp cứu. Quân đảo chính rút chạy, đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông cùng một số sĩ quan khác vào phi trường Tân Sơn Nhất gặp Nguyễn Cao Kỳ (lúc bấy giờ là thiếu tá không quân) để nhờ giúp đỡ. Thi nói: "Kỳ, chúng tôi đã thất bại! Chúng tôi phải thoát khỏi nơi đây bằng không thì Diệm sẽ chém đầu chúng tôi".

Kỳ tỏ ra hảo hớn, không bỏ rơi "anh cả đỏ" trong cơn nguy biến và hào phóng đưa một chiếc máy bay DC3 cho đại tá Thi trốn đi. Sau này, Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký: "Tôi muốn giúp đỡ họ, lúc nào nhảy dù (Thi) và không quân (Kỳ) cũng rất thân thiết với nhau vì tính chất của công việc làm. Thế nhưng, tôi không thể nào đích thân lái máy bay chở họ đi vì nếu làm thế, tôi sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam được. Thế là 15 người trong nhóm âm mưu đảo chính đã thoát đi trên máy bay do đại úy Phan Phụng Tiên lái. Và dĩ nhiên là tôi không bao giờ lấy lại được chiếc máy bay đó và Diệm đã tỏ ra nghi ngờ". Phe Thi bắt giữ trung tướng Thái Quang Hoàng "tư lệnh biệt khu thủ đô" để làm con tin. Dinh Độc Lập lệnh cho hai phi cơ khu trục đuổi theo chiếc máy bay của nhóm Thi xem họ đi về hướng nào. Đến biên giới Campuchia, bắt kịp Thi, hai khu trục cơ điện về xin chỉ thị dinh Độc Lập có nên bắn hạ hay không. Lúc đó, Nguyễn Khánh nghe bà Ngô Đình Nhu đứng bên cạnh la lên: "Bắn rơi chiếc máy bay đó đi. Giết hết tụi nhảy dù phản nghịch!". Khánh không đồng ý với bà Nhu, bảo bà ta với giọng bực dọc: "Tôi là tư lệnh ở đây. Xin bà để tôi quyết định", rồi ông Khánh lệnh cho hai khu trục cơ quay về Sài Gòn. Qua đó, dư luận trong quân đội bàn tán là "lệnh tử hình" lúc ấy do bà Nhu tự ý "ban ra" không cần hỏi ý kiến của tổng thống Diệm và chồng bà là cố vấn Ngô Đình Nhu, cho thấy bà Nhu đã lấn lướt, lộng quyền lắm.

Thái độ kênh kiệu trên được nhắc đến trong hồi ký chính trị của Đỗ Mậu, nguyên thiếu tướng Giám đốc an ninh quân đội Sài Gòn một thời, với những dòng phê phán và nhận xét rằng: thực tế đời sống gia đình ở miền Nam không thể áp dụng luật đó được. Song luật trên vẫn được Ngô Đình Diệm ban hành năm 1959, đánh dấu rõ nét ảnh hưởng của bà đối với ông Diệm không phải nhỏ và không phải một lần đó. Lần khác, trong một bữa ăn sáng vào thời điểm phong trào đấu tranh Phật giáo lên cao, bà Nhu đã nặng lời trách móc ông Diệm trước mặt một người nước ngoài, rằng: "Anh đã đánh tan Bình Xuyên, đánh bại Hòa Hảo, dẹp yên nhảy dù của bọn Nguyễn Chánh Thi, mà bây giờ anh lại chịu thua mấy tên nhà sư không có một tấc sắt trong tay. Anh là đồ hèn. Anh là con sứa!".

Câu ấy không chỉ chứng tỏ cách ăn nói ngông nghênh, lên mặt của một "đệ nhất phu nhân", mà còn cho thấy vai trò và thái độ quyết liệt của bà trong chủ trương đàn áp Phật giáo của nhà Ngô - với việc nổ súng giết hại phật tử trong lễ Phật đản đẫm máu năm 1963…

Trước sự kiện đòi giết hết "nhóm phản nghịch", bà Trần Lệ Xuân cũng đã tìm cách khuynh loát quyền lực ở dinh Độc Lập rồi. Như năm 1957, bà đã soạn Luật Gia đình số 1/59 trình bày trước quốc hội biểu quyết. Không ít dân biểu lên tiếng không đồng ý vì những nội dung không phù hợp với sinh hoạt của gia đình Việt Nam cũng như tình hình xã hội thời ấy, như cấm ly dị, cấm lấy nhiều vợ, truất phế quyền lợi con ngoại hôn nằm trong 135 điều dự thảo. Nghe những dân biểu phản bác, muốn giữ lại một số quyền cho người chồng trong gia đình, thì bà Nhu tỏ thái độ bực tức, ngang nhiên bỏ phòng họp quốc hội ra về.

No comments:

Post a Comment