Saturday, June 8, 2013

Kỳ 3: Mật lệnh về “Kế hoạch nước lũ”



Những bóng hồng của dinh Độc Lập

Kỳ 3: Mật lệnh về “Kế hoạch nước lũ”


Gia đình Ngô Đình Nhu
- Ảnh:tư liệu
 Sau khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, Trần Lệ Xuân càng trở nên giận dữ và kế hoạch đàn áp chùa chiền khắp miền Nam được tiến hành ráo riết hơn.

Bà Nhu là em dâu tổng thống, là “đệ nhất phu nhân”, dân biểu Quốc hội, thủ lĩnh Phong trào Phụ nữ liên đới, đã cho xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng ở Công viên Mê Linh có gương mặt giống bà và con bà (Lệ Thủy). Bà lệnh cho cơ quan Việt Tấn xã dùng danh xưng “bà Ngô” trên các bản tin, nhưng Giám đốc Việt Tấn xã là Nguyễn Thái (qua Mỹ sau 1975) phân tích danh xưng ấy có thể gây hiểu lầm nên thôi. Song sau đó, hai tiếng “bà Ngô” vẫn dùng trong thông báo chính thức về chuyến viếng thăm Ma-rốc của ông bà Nhu (vào tháng 6.1961) khiến người ta dị nghị và hiểu lầm “bà Ngô” là vợ của Tổng thống Diệm theo đúng cung cách ngôn ngữ ngoại giao!

Ai cũng biết bà Nhu muốn biến lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng hằng năm thành lễ “quốc khánh thứ hai” của chế độ Sài Gòn, bà Nhu ngồi trên ghế bành bọc gấm vàng (như ghế dành cho ông Diệm) với tất cả nghi lễ quân cách của ngày quốc khánh - chỉ còn thiếu 21 phát đại bác thôi. Theo tướng Đỗ Mậu, sở dĩ bà làm như thế là do bà mang trong mình “một tâm hồn phương Tây nổi loạn mà bà tưởng là cách mạng tiến bộ...”. Vì thế, bà đứng ra trả lời phỏng vấn của các nhà báo Âu Mỹ và nói thẳng tuột rằng: “Tôi theo Tổng thống Ngô Đình Diệm để cứu ông (Diệm). Vì phụ nữ thì đã ngả theo tôi (ý nói bà là thủ lãnh Phong trào Phụ nữ liên đới nên phái nữ nghiêng theo bà). Chồng tôi (ông Ngô Đình Nhu) có tổ chức Thanh niên cộng hòa ủng hộ. Còn ông Ngô Đình Cẩn có tay chân thân tín ngoài Trung...”. Nói như thế, bà Nhu muốn thông qua báo New York Times để nhấn mạnh đến vai trò cũng như sự cộng tác trung thành của bà đối với tổng thống.

Tuy vậy, không ít lần bà đã qua mặt ông Diệm. Chẳng hạn, khi cuộc đấu tranh của Phật giáo nổ lớn, bà bàn với ông Ngô Đình Nhu gọi trung tá Trần Thanh Chiêu, Tổng giám đốc Dân vệ đoàn, vào gặp vợ chồng bà để trao nhiệm vụ khuấy động chùa Xá Lợi bằng cách dẫn mấy trăm thương phế binh tới đó nằm lăn ra, tung truyền đơn nói xấu nhà chùa. Mỗi thương phế binh do Chiêu tập hợp thực hiện chuyện tệ hại ấy nhận công 2.000 - 5.000 đồng lúc bấy giờ. Khi hay tin, ông Diệm rất tức giận, gọi Nguyễn Đình Thuần, Tổng trưởng Quốc phòng, vào hỏi ai xúi làm việc đó trong lúc đang cần hòa giải với Phật giáo? Ông Thuần thưa rõ sự việc. Diệm quát mắng và cách chức Trần Thanh Chiêu, phạt 40 ngày trọng cấm, lệnh giải ngũ ngay lập tức.

Biết chuyện, bà Nhu cùng chồng tuy không ra mặt bênh vực Chiêu, nhưng âm thầm thông báo để vây cánh của họ “nhẹ tay” với Chiêu. Điều làm bà Nhu hậm hực là trước và sau sự việc trên hằng ngày không ngớt nhận những tường trình về làn sóng đấu tranh của Phật giáo dâng cao. Chẳng hạn, hơn 350 tăng ni từ chùa Xá Lợi kéo đến trụ sở Quốc hội đòi giải quyết 5 nguyện vọng: 1. Bãi bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo. 2. Để Phật giáo hưởng chế độ hoằng pháp ngang hàng với Thiên Chúa giáo. 3. Chấm dứt bắt bớ, khủng bố phật tử. 4. Tự do truyền đạo. 5. Phải bồi thường gia đình các nạn nhân bị giết chết trong đêm đàn áp tại Huế. Hơn 1.000 tăng ni cùng lúc biểu tình qua đại lộ Lê Lợi, kéo về chợ Bến Thành. Các chùa từ sông Bến Hải đến Cà Mau đồng loạt gióng 9 hồi chuông trống Bát Nhã và tụng kinh cầu nguyện cho các phật tử chết trong đêm pháp nạn (30.5). Thanh niên Huế biểu tình đòi tự do tín ngưỡng bị ném lựu đạn cay (3.6). Tại Sài Gòn, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (tức ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám bây giờ) vào gần trưa ngày 11.6 được ký giả tờ New York Times là David Halberstam tường thuật với những dòng ngưỡng mộ: “Lửa phủ khắp người, thân ngài từ từ khô quéo lại, đầu cháy nám, mùi thịt khét bay trong không khí, nhưng thân hình của ngài vẫn chìm trong lửa đỏ bất động thật đáng kinh ngạc hết sức. Phía sau tôi, tiếng khóc của những người từ xa kéo đến mục kích lần lần nức nở. Tôi cũng xúc động quá nhưng không khóc nên tiếng, quá bàng hoàng để ghi chép tại chỗ hoặc hỏi một câu nào đó, quá bối rối không kịp suy nghĩ điều gì để nhìn thân thể của ngài chìm trong biển lửa. Lửa cất cao nhưng ngài ngồi yên, không nhích động, không một tiếng rên la, toát lên phong thái trầm tĩnh khác hẳn với những người đang òa khóc xung quanh...”.

Bà Nhu hết sức bực tức vì các bài tường thuật của báo nước ngoài, trong đó có bài của Malcolm Browne cũng như bức ảnh nổi tiếng của Browne về phút giây Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Ảnh đó được báo chí các nước trên thế giới in ra phổ biến hàng triệu tấm. Sau này, người ta biết lúc Henry Cabot Lodge đến gặp Tổng thống Kennedy để nhiệm chức đại sứ tại Việt Nam (vào những ngày tàn của triều Ngô), ông ta thấy trên bàn làm việc của Kennedy để sẵn bức ảnh của Browne chụp Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu. Thế giới bàng hoàng biết thêm trái tim Thích Quảng Đức vẫn không bị thiêu cháy, trở thành xá lợi vĩnh viễn được phật tử tôn thờ.

Nghe vậy, thái độ của anh em ông Diệm - Nhu và Trần Lệ Xuân ra sao? Tài liệu do hòa thượng Thích Thông Bửu phổ biến tại hội thảo chuyên đề về Bồ tát Quảng Đức - ngọn lửa và trái tim cách đây không lâu, cho biết: “Láo xược nhất của Ngô triều là bà cố vấn Ngô Đình Nhu đã thốt lên nhiều câu khó nghe. Như câu “Trưa nay giữa thành phố có một cuộc nướng sư”, hoặc sau khi bác sĩ Trần Kim Tuyến - trùm mật vụ triều Ngô - nhận lệnh Tổng thống Diệm đến chùa Xá Lợi khám nghiệm quả tim, lúc về đề nghị hòa với Phật giáo, vì Phật giáo có quả tim bất diệt, bà Nhu quát mắng bác sĩ Tuyến và Tổng thống Diệm với những lời lẽ khiếm nhã: “Anh Diệm và chú Tuyến là những người không biết sỉ nhục; anh và chú có đầu hàng bọn trọc đầu thì hàng một mình, vợ chồng tôi không hàng!”. Để chứng tỏ, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân bí mật phát lệnh thực hiện cao điểm “Kế hoạch nước lũ” đưa cảnh sát tràn lên vây bắt, đánh đập, bắt giam tăng ni và triệt hạ chùa chiền khắp các tỉnh miền Nam.


“Ông Ngô Đình Diệm, trong vai trò tổng thống, khi vừa nghe tin (hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu) đã rụng rời, rơi cả giấy đang cầm trong tay và đọc lời hiệu triệu... (nhưng) có người như bà Trần Lệ Xuân, vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, Chủ tịch Phong trào Phụ nữ liên đới Việt Nam, trong tình cảm (và thói quen) riêng tư, khi nghe tin “lửa cháy... thân xác” liền nghĩ ngay đến món “thịt nướng” trong biệt thự sang cả của bà không hơn không kém !!! (Trong lúc đó) Cả thế giới nhìn về Việt Nam với nỗi kinh ngạc về sức mạnh tâm linh của một hiện tượng tôn giáo độc nhất vô nhị trên đời”.

Theo Thái Kim Lan
(Tiến sĩ triết học, đang sinh sống và giảng dạy tại Đức)

Nguồn: Thanhnienonline

No comments:

Post a Comment