Saturday, June 8, 2013

Kỳ 9: Khi Mai Anh ra đi...


Những bóng hồng của dinh Độc Lập

Kỳ 9: Khi Mai Anh ra đi...
Bà Mai Anh (áo dài hoa) trong một dịp tiếp xúc với người dân Chợ Lớn
Ảnh: tư liệu

“Cách duy nhất để hoàn thành cuộc đảo chính lật đổ Diệm là phải giết ông ta, nếu không ông ta sẽ len lách về vị trí cũ bằng năng lực chính trị của mình” - đó là nhận định của Schecter sau khi tham cứu nhiều nguồn tài liệu về Việt Nam sau ngày Diệm - Nhu bị bắn chết...

Ông Thiệu và vợ là bà Mai Anh đều rất lo sợ điều ấy sẽ một lần nữa ứng vào hoàn cảnh của họ. Nhất là vào những ngày căng thẳng trước khi ký Hiệp định Paris 1973, lúc Mỹ đang muốn rút khỏi cuộc chiến tại Việt Nam và muốn đàm phán thực chất với Hà Nội, thì Thiệu lại cho “quá trình đàm phán là quá trình thất bại”. Nghĩa là quan điểm của ông Thiệu có khác với Mỹ.

Điều đó Mỹ chẳng ưa gì và chắc hẳn sẽ chẳng ngần ngại trong việc “thanh toán” Thiệu khi cần, vào thời điểm thích hợp nào đó... Linh cảm điều ấy nên ông Thiệu bồn chồn, lo lắng, mường tượng lại cảnh hai ông Diệm - Nhu bị giết chết năm nào như một chuyên gia hàng đầu của Thiệu ở dinh Độc Lập thuật lại: “Cảnh tượng Diệm và Nhu nằm trên sàn chiếc thiết giáp M113 đã ám ảnh Thiệu. Ông ta luôn luôn ghê sợ sự mưu sát do Mỹ chủ mưu hoặc hỗ trợ. Việc lật đổ và sát hại anh em Diệm - Nhu cho Thiệu thấy rằng, nếu người Mỹ không hài lòng với một nhà lãnh đạo Việt Nam, thì họ sẽ loại trừ người đó không thương tiếc (...) Theo Lucien Conein thì các tướng Sài Gòn đã dự định đưa Diệm - Nhu đến vùng săn bắn của chính phủ ở Pleiku cho đến khi có máy bay (của Mỹ) đến đưa ra nước ngoài”.

Để tránh hậu quả khôn lường, ông Thiệu đã sắp xếp để bà Mai Anh và các con mình rời Việt Nam ra nước ngoài trước ngày quân giải phóng chọc thủng phòng tuyến bảo vệ vành đai Sài Gòn. Còn lại một mình ở dinh Độc Lập, ông Thiệu nhắc nhở lực lượng phòng thủ Phủ Tổng thống hãy thường xuyên xem chừng và canh phòng cẩn mật tầng hầm quân sự thiết kế cách mặt đất khoảng hơn 1m (dưới tầng trệt dinh Độc Lập).

Ở hầm này, có phòng chỉ huy tham mưu tác chiến, có tổng đài liên lạc với các tỉnh, có trung tâm thông tin phát thanh và phòng ngủ trực chiến của tổng thống. Sâu hơn nữa, có hầm trú ẩn an toàn dành cho gia đình tổng thống và bộ tham mưu, nằm sâu cách mặt đất khoảng 4m. Khi bà Mai Anh đi rồi, ông Thiệu không ít lần rời phòng ngủ của mình ở lầu 3 để xuống các tầng hầm này xem xét, đôn đốc kiểm tra, dường như ông muốn chuẩn bị thật kỹ cho chỗ ẩn núp của mình một khi có “sự cố” bất ngờ trong tháng 4. Từ tầng hầm bước lên, ông có thể dạo một vòng quanh tầng 1 qua phòng Khánh tiết, phòng họp Hội đồng nội các, phòng Đại yến.

Lên tiếp đó là tầng 2 dinh Độc Lập, nơi ông đã tiếp các tổng thống, phó tổng thống, đón chào đại diện các quốc gia trên thế giới đến thăm hữu nghị. Giờ đây trước mắt ông tấm thảm tròn màu đỏ không còn giữ vẻ tươi thắm như cũ nữa. Nó cùng với những món đồ cổ ra vẻ đã mất màu phong lưu, song vẫn gợi ông nhớ đến một số kỷ niệm với người vợ đã đi xa. Và rồi, đến một giờ định mệnh, ông phải rút chạy khỏi dinh trước khi quân giải phóng tràn vào.

Đã có nhiều tài liệu viết về cuộc ra đi không mấy vui vẻ của ông. Hầu hết đều tường thuật với nhiều chi tiết không hay ho lắm, kèm theo các lời chế giễu, bình luận chua chát, pha lẫn căm giận. Trong số đó, chúng tôi nghĩ rằng xét về mặt tư liệu, có lẽ tường thuật của cố vấn tổng thống là TS Nguyễn Tiến Hưng đáng tin cậy. Vì thế chúng tôi tóm lược những giờ phút cuối cùng của ông Thiệu khi rời dinh Độc Lập để đến phi trường Tân Sơn Nhất ra đi như dưới đây:

“Để hợp pháp hóa sự ra đi của Thiệu, Tổng thống Hương (người kế vị Thiệu) ký lệnh chỉ định Thiệu làm phái viên đặc biệt của Việt Nam Cộng hòa sang Đài Loan (...) Sự xếp đặt cho sự ra đi của Thiệu do Thomas Polgar, Trưởng ban Tình báo CIA (ở Sài Gòn) đảm nhiệm dưới sự chỉ dẫn của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là Martin. Thiệu nói với Polgar ông muốn Trần Thiện Khiêm và một vài cộng tác đi cùng mình sang Đài Loan. Chiếc máy bay DC-6 dành cho Đại sứ Martin đã bay từ Sài Gòn sang Thái Lan vào đêm 25.4. Polgar và tướng liên lạc của CIA là Charles Timmes gặp Thiệu và những người cùng đi tại nơi ở của Khiêm ở bộ tổng tham mưu nằm bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất. Polgar đã sắp xếp 3 chiếc xe mui kín màu đen, gồm xe của đại sứ, xe của đại diện toàn quyền và xe của chính mình, tất cả đều do nhân viên CIA làm tài xế. Khiêm đã bố trí một sĩ quan tin cậy cho phép những người Mỹ ra vào không gây ra sự cố gì. Thiệu và những người cùng đi chỉ được phép mỗi người mang một xách tay. Không có hành lý gì khác. Bà Mai Anh vợ ông Thiệu và các con đã rời Sài Gòn trước và đang ở Luân Đôn (Anh).

Trong lúc Thiệu và những người cùng đi uống rượu tiễn biệt tại nhà Khiêm, Polgar chuẩn bị các thủ tục cho họ trước giờ bay. Xong việc, họ nhanh chóng lên những chiếc xe đen, mui kín, để đến sân bay (...) Thiệu ngồi giữa Polgar và Timmes, để lính gác cổng chỉ thấy người Mỹ khi nhìn vào xe - Polgar giải thích như thế. Xe chạy thẳng đến sân bay dành cho hàng không Mỹ, ở đó Đại sứ Martin đã có mặt để đưa tiễn Thiệu. Lúc này, sắc mặt và bộ điệu của Thiệu trông sầu thảm và nhẫn nhục. Nhưng ông cố giữ vẻ đường bệ bước lên máy bay với lời chúc lành của Đại sứ Martin. Cuộc ra đi diễn ra khá nhanh và lặng lẽ không một nghi thức tiễn biệt nào...”.


“Tôi biết bà Thiệu (Nguyễn Thị Mai Anh) đã chưng diện bằng kim cương làm ai cũng phải chú ý (trong mỗi lần dạ hội, dạ vũ, hoặc tiếp xúc) và riêng Tổng thống Thiệu đã xây một cơ đồ rất to lớn ở Pháp và Thụy Sĩ (...) Điều ấy chắc không làm tất cả phải kinh ngạc vì có lẽ hầu hết tổng thống tại các nước không ổn định luôn tìm cách kiếm ra tiền cho riêng họ, để phòng khi họ bị mất chức (có thể chi dùng, sinh sống). Điều ấy càng rõ hơn khi tôi đi dự hội nghị ở thủ đô Manila với cấp lãnh đạo của chính phủ Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan và Nam Triều Tiên hồi năm 1966, gặp Tổng thống của Philippines là Marcos đã kéo tôi ra một bên và nói riêng với tôi lời khuyên khôn ngoan đối với một người trẻ tuổi, rằng: "Này anh, anh nên lo cho tương lai của anh, hãy nghĩ đến nguy cơ của một cuộc đảo chính lật đổ anh". Rồi Marcos kết luận: "Giả dụ như có chuyện gì xảy ra, anh nên nghe theo tôi (mà đề phòng trước). Như tôi (Marcos) luôn luôn có sẵn hai valy ở bên giường ngủ của mình (để khi có biến cố là hai tay cầm hai valy bay đi ngay”

Nguồn: Thanhnienonline
 

No comments:

Post a Comment