Saturday, June 8, 2013

Kỳ 5: "Trái đắng" cũa hai dòng họ


Những bóng hồng của dinh Độc Lập

Kỳ 5: "Trái đắng" cũa hai dòng họ
Vợ chồng ông bà Trần Văn Chương và Thân Thị Nam Trân
- Ảnh: tư liệu

Luật sư Trần Văn Chương (con trai của Đông các Đại học sĩ Trần Văn Thông) cùng vợ là bà Thân Thị Nam Trân (con gái của Đông các Đại học sĩ Thân Trọng Huề), đã từ Mỹ lên tiếng chỉ trích nghiêm khắc con gái mình (Trần Lệ Xuân)...

Ông Trần Văn Chương sinh năm Mậu Tuất (1898) tại Nam Định, lúc nhỏ học ở Hà Nội, sang Algérie du học 11 năm, rồi sang Pháp học đại học luật khoa và đỗ tiến sĩ luật năm 1922. Về nước, ông làm việc tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ năm 1925 - 1935, ra Hà Nội mở văn phòng luật sư tại nhà số 71 đại lộ Gambetta năm 1940. Chính ở Hà Nội, gia đình Trần Văn Chương đồng ý để Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu (lớn hơn Trần Lệ Xuân 15 tuổi) làm lễ cưới tại Nhà thờ Lớn do ông Ngô Đình Thục đứng ra chủ lễ, với sự có mặt của Đức cha Chaize và nhiều linh mục Pháp - Việt khác vào năm 1943.

Ông bà Trần Văn Chương không ngờ 20 năm sau (1963), lúc ông làm đại sứ tại Mỹ và bà Nam Trân làm Quan sát viên chính thức của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hiệp Quốc, phải đón nhận những lời trách giận của người trong họ hàng vốn theo đạo Phật, lẫn bạn hữu trong giới trí thức người Việt ở nước ngoài, về những điều tệ hại do con ruột (Trần Lệ Xuân) và con rể (Ngô Đình Nhu) gây ra trong quá trình chống phá Phật giáo miền Nam, dẫn đến đổ máu và tai tiếng qua biến cố lễ Phật đản 1963 tại Huế. Thêm nữa, ông bà rất khổ tâm khi nghe các đài phát thanh quốc tế, đài BBC, đài VOA, đài Úc Đại Lợi, cứ lặp đi lặp lại phát biểu ngỗ ngược của Trần Lệ Xuân trước Tòa Đô chánh Sài Gòn trong lễ ra mắt Phụ nữ bán quân sự khóa III ngày 3.8.1963, rằng: “Tôi (Trần Lệ Xuân) sẽ còn đánh sư gấp 10 lần nữa” kèm theo bình luận không mấy hay ho. Ủy ban Liên phái Phật giáo gửi văn thư đến Tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối Trần Lệ Xuân về những phát biểu trên, đặc biệt lưu ý tổng thống về sự lộng quyền của bà ngày càng lộ rõ.

Về con rể Ngô Đình Nhu, ông bà Trần Văn Chương thất vọng khi nghe các cơ quan thông tấn đưa tin Nhu công khai miệt thị các nhà sư là “cuồng tín” và “thiếu giáo dục” (!), vu khống đồng bào theo đạo Phật là Cộng sản “phá hoại an ninh quốc gia”. Nhất là sau đêm “nước lũ”, lực lượng đặc biệt và công an mật vụ do Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân tung ra đã bắt giam hàng nghìn tăng ni và đồng bào ủng hộ Phật giáo, đông nhất là Sài Gòn với 728 người, Huế 595 người... Những ngày tiếp đó, lùng bắt thêm 2.500 người nữa. Một số trí thức, gồm các giáo sư, khoa trưởng các trường đại học ở Sài Gòn hưởng ứng bãi khóa. Ở Mỹ, ông bà Trần Văn Chương quyết định bất hợp tác với chính quyền Sài Gòn, từ chức và điện báo cho Diệm - Nhu biết vào đêm 23.8.

Nhận tin, cả Ngô Đình Diệm lẫn cố vấn Ngô Đình Nhu đều bất ngờ, bối rối, chưa biết xử trí ra sao. Phần vì thái độ của một đại sứ ở Mỹ (như ông Trần Văn Chương) và một quan sát viên chính thức tại Liên Hiệp Quốc (của bà Nam Trân) hợp lại sẽ có sức “nhạy cảm” đối với thời tiết chính trị, là “phong vũ biểu” báo trước phần nào những thuận nghịch trong bang giao đặc biệt giữa Sài Gòn với Washington thời ấy. Phần vì ông Trần Văn Chương là cha rể của Ngô Đình Nhu, cha ruột Trần Lệ Xuân, sui gia với nhà Ngô, là “người trong nhà” mà nay công khai phản đối Diệm - Nhu như thế hết sức bất lợi. Đang lúc hai ông Diệm - Nhu chưa tìm ra cách ứng xử hữu hiệu, thì Trần Lệ Xuân đề nghị giải pháp xuyên tạc sự thật, bằng cách “sửa sai” hai chữ “từ chức” thành “bãi chức”, để đối phó với... cha mình!

Giải pháp ấy trong lúc cấp thời đã được chồng bà là Ngô Đình Nhu và Tổng thống Diệm đồng thuận. Liền đó, Trần Lệ Xuân thảo bản tin đưa cho Việt tấn xã với nội dung: “Ngày 23.8.1963, ông bà Trần Văn Chương có đánh điện xin từ chức nhưng trước đó hai tiếng đồng hồ, Bộ Ngoại giao (Sài Gòn) đã gởi điện tín cho ông Chương biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định cách chức ông kể từ sáng ngày 23.8.1963 rồi - tức là trước khi ông bà Trần Văn Chương xin từ chức, như đài VOA đã loan tin hồi 20 giờ 35 ngày hôm đó. Trong tình trạng thiết quân luật, mọi điện tín đều bị quân đội kiểm soát, bởi vậy bức điện của Bộ Ngoại giao mới tới Hoa Kỳ sau bức điện của ông Chương gửi về Sài Gòn”. Việc “đánh tráo” để gỡ thể diện nêu trên đã có một số tài liệu nhắc đến, trong đó cuốn Trần Lệ Xuân - giấc mộng chính trường của Lý Nhân - Phan Thứ Lang (nhà văn Phan Kim Thịnh) ghi rõ: “Ai cũng biết Lệ Xuân bênh vực họ nhà chồng, nên bà bàn với Nhu cho đăng một bản tin của Việt Tấn xã nói về vụ luật sư Trần Văn Chương từ chức “cải chính” thành Chương bị bãi chức (...). Sở dĩ Lệ Xuân tức giận cha mình vì ông đã tuyên bố với báo chí bên Mỹ là con gái của ông thiếu văn hóa, vô lễ với tôn giáo, với các nhà tu hành. Giận cha mẹ, Lệ Xuân phát biểu lung tung thông qua Việt Tấn xã: “Trần Văn Chương - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - bị chính phủ lột chức, một kẻ đã tự hào rằng theo Khổng giáo, đang tiếp tục tuyên truyền chống chế độ và phản bội con gái yêu tại Hoa Kỳ”. Hoặc: “đạo Khổng lấy điều trung làm trọng, và người theo đạo Khổng nếu không làm tròn trách nhiệm chúa mình giao phó thường tự xử bằng cách tự vẫn”. Ngôn ngữ trên nếu không được Trần Lệ Xuân và ông Nhu chỉ đạo thì đố ai dám viết công khai trên báo chí như thế. Song, chừng đó cũng chưa hả dạ, Lệ Xuân còn thông qua Việt Tấn xã vạch tội cha mình: “Trần Văn Chương - người có một tòa nhà tại Hoa Thịnh Đốn và một căn nhà tại Ba Lê, đã phản bội và bị cách chức đại sứ” (!)”.

Trước sự ngỗ ngược của con gái, ông bà Trần Văn Chương sau ngày từ chức vẫn tiếp tục lên tiếng công kích Diệm - Nhu, nghiêm khắc phê phán Trần Lệ Xuân vô lễ, mất tư cách và mất nhân tính (29.10). Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ, không lâu sau đêm các chùa trên toàn miền Nam bị tấn công, đã phổ biến thông báo đặc biệt, phán xét: “Rõ ràng chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp khắt khe đối với các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của chính phủ Việt Nam (Sài Gòn) vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo. Hoa Kỳ phiền trách các hành động đàn áp nêu trên”.


  Nguồn: Thanhnienonline

No comments:

Post a Comment