Bà Trần Lệ Xuân biểu diễn bắn súng ngắn
- Ảnh: Tư Liệu
- Ảnh: Tư Liệu
Trần Lệ Xuân xuất thân từ một gia đình phật tử danh giá. Khi kết hôn với Ngô Đình Nhu năm 1943, bà cải sang đạo Công giáo. Thân phụ bà là luật sư Trần Văn Chương, làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ, đã từ chức và lên tiếng trách bà nặng nề trong giai đoạn nhà Ngô ra tay đàn áp Phật giáo tàn bạo nhất vào năm 1963.
Năm ấy, vào lễ Phật đản, Ngô Đình Diệm từ dinh Độc Lập gửi công điện khắp nơi ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo xuống. Và đêm 8.5.1963, đã đưa xe tăng, cảnh sát đến nổ súng, ném lựu đạn giết hại phật tử tại Đài phát thanh Huế khiến làn sóng đấu tranh chống chế độ Diệm bùng nổ mãnh liệt. Một bác sĩ người Đức là Erich Wulff, lúc bấy giờ dạy học tại trường Đại học Y khoa Huế, tình cờ tận mắt chứng kiến biến cố bi thảm của đêm Phật đản đẫm máu trên và viết lại trong hồi ký - do Minh Nguyện trích dịch cách đây vài năm và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam giới thiệu qua tài liệu đặc biệt - khá chi tiết: “Lúc 9 giờ tối, số người lên đến khoảng 6.000 (trong khuôn viên của Đài phát thanh Huế) để chờ nghe buổi phát thanh đặc biệt hàng năm nhân ngày Phật đản nhưng nay đã bị cấm vào giờ phút chót”.
Giới quan sát chính trường lúc bấy giờ bàn luận về lệnh cấm trên, cũng như lệnh triệt hạ cờ Phật giáo, là do anh em Tổng thống Diệm chủ trương với sự tác động của Trần Lệ Xuân. Trong lúc ông Diệm và Nhu tìm cách đối phó với sự biến ở Huế, thì bà Nhu tỏ ra lạnh lùng phát biểu: “Phớt lờ đi là xong!”. Nhưng dư luận và lòng phẫn uất của Phật tử “không xong” được vì máu đã chảy như tường thuật của Erich Wulff: “Đêm ấy, chúng tôi nghe có tiếng ầm ầm của một đoàn xe thiết giáp. Có tất cả năm xe thiết giáp xuất hiện. Một chiếc tìm cách đi thẳng vào khuôn viên của Đài phát thanh. Trên xe thiết giáp có kẻ dòng chữ trắng mang tên Ngô Đình Khôi (là tên người anh cả của ông Diệm). Những phát đạn đầu tiên được bắn ra từ nòng súng của xe thiết giáp; khoảng chừng mười phát nổ vang khô khan, tôi có thể nhìn thấy rõ ngọn lửa phát ra từ họng súng (...) Một loạt súng trường bắt đầu nhả đạn...”.
Sau đó khi Erich Wulff được phép vào bệnh viện thì cảnh thương tâm bày ra trước mắt ông. Đó là cảnh những phật tử nạn nhân của cuộc đàn áp được cấp tốc chở vào nhà xác: “Nhà xác nằm bên cạnh nhà thương điên và do những lao công của nhà thương này canh gác. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn bạch lạp, chúng tôi thấy có bảy thân người đầy máu me được đặt trên ba bàn khám nghiệm bằng đá. Từ chân đến ngực cơ thể họ còn nguyên vẹn. Nhưng năm cái xác - tất cả là trẻ em - thì không còn đầu. Các xe thiết giáp đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ vào lúc các em leo qua hàng rào của Đài phát thanh và nhô đầu ra trước. Nếu như các em khôn ngoan như người lớn, tức là nằm xuống dưới đất lúc súng đạn bắt đầu nổ, thì chắc các em đã chẳng hề hấn gì. Cha mẹ của những người tử nạn đang thút thít khóc. Người cha của một em bé gái đã chết yêu cầu chúng tôi chụp hình những xác chết nhưng chúng tôi không mang theo máy hình. Khi tôi định quay đi, không muốn nhìn cảnh thê thảm này nữa, song tôi cũng chợt thấy bên cạnh cánh tay của một xác trẻ em không đầu có một con mắt dính vào với một ít da đầu, một mảnh xương trán...”.
Hai ngày sau, vào 12.5, Trần Lệ Xuân rất tức giận khi biết tin không chỉ người Phật giáo mà linh mục Lê Quang Oánh cùng với 9 linh mục khác thuộc khối Đồng Tâm gửi đến lãnh đạo Phật giáo bản “huyết lệ thư” phân ưu việc đau thương tại Đài phát thanh Huế và tán đồng quan điểm đấu tranh cho tự do tín ngưỡng đang bắt đầu bùng phát. Một loạt hoạt động tiếp đó như họp báo tại chùa Xá Lợi tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước việc đàn áp, giết chóc, giam cầm phật tử của chính quyền Diệm trong 9 năm qua (16.5), trưng bày hình ảnh vụ thảm sát ngày 8.5 (tại chùa Ấn Quang - 17.5), cầu siêu cho phật tử “tử vì đạo” với hơn 1.000 tăng ni rước linh, cầu siêu, giương cao biểu ngữ viết bằng hai thứ tiếng Anh - Việt: “Tưởng nhớ những phật tử đã chết vì chính nghĩa ở Huế” (21.5), Hội nghị 11 tông phái Phật giáo về kế hoạch đấu tranh và thành lập Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo (25.5).
Để đối phó, Trần Lệ Xuân họp báo chỉ trích Phật giáo và gọi các đại đức, các thượng tọa, các vị hòa thượng là “sư hổ mang”. Lời lẽ xấc xược của Trần Lệ Xuân cũng như chủ trương đàn áp Phật giáo của Diệm - Nhu không thay đổi càng làm phong trào đấu tranh bùng nổ với những cuộc xuống đường liên tục làm rung chuyển Sài Gòn và vang động tới tận tòa Bạch Ốc bên Mỹ.
Nhận xét về Trần Lệ Xuân, tướng Vũ Ngọc Nhạ - Cụm trưởng Cụm tình báo A22 hoạt động ngay trong dinh Độc Lập từng nói: “Đây là người đàn bà đáng sợ nhất trong gia đình họ Ngô”. Vì theo tướng Nhạ, Ngô Đình Cẩn không được học hành nhiều, lại đa nghi, song có lúc cả tin. Ngô Đình Nhu thâm trầm, nguy hiểm, song chủ yếu là kiến giải trên sách vở chứ ứng dụng thực tế có lúc sai lệch. Ngô Đình Diệm giữ nguyên tắc hành động và lối sống cố thủ. Riêng Trần Lệ Xuân học trường Tây từ nhỏ, quen lối suy nghĩ ngoài khuôn phép phương Đông, bạo mồm bạo miệng đến độ vô lễ, dám gọi các nhà sư là “bọn trọc đầu” (có lúc gọi các cha cố là “quạ đen”) và có cặp mắt sắc sảo, soi mói.
Lựu đạn cũng đã nổ dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đặng Sĩ - một sĩ quan trung thành và quá khích của nhà Ngô. Hôm sau, ngày 9.5, cuộc biểu tình tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm tàn sát phật tử nổ ra tại Huế. Tiếp đó, ngày 10.5, tại chùa Từ Đàm giăng nhiều biểu ngữ, trong đó có hai nội dung: “Chúng tôi đã quá biết ai giết chúng tôi” và “Đả đảo hành động sát nhân, vu khống”. Sở dĩ nêu như vậy vì nhà Ngô đổ lỗi “Việt Cộng ném lựu đạn” nên phải vạch rõ và lên án thủ phạm là chế độ Ngô Đình Diệm, trong đó có Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân..
Nguồn: Thanhnienonline
No comments:
Post a Comment